Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union vừa trao giấy chứng nhận Global GAP cho CTCP Anova Farm (Thành viên Tập đoàn Anova). Đây là trang trại nuôi heo thịt đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại đạt chuẩn Global GAP.
Chú thích ảnh: Ông Tôn Văn Tân (trái) nhận giấy chứng nhận Global GAP.
Ông Tôn Văn Tân, tổng giám đốc Anova Farm cho biết, Công ty có hai trang trại tại tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu với 2.400 heo nái và 12.000 heo thương phẩm. Hàng năm, đơn vị này cung cấp ra thị trường hơn 5.000 heo hậu bị đực và cái, hơn 55.000 con heo thịt.
Quy trình sản xuất của Công ty đều được hỗ trợ từ các nhánh kinh doanh khác của Tập đoàn như sử dụng thức ăn chuẩn Global GAP từ nhà máy Anova Feed, nguồn vắc-xin nhập khẩu đạt chuẩn WHO-GMP từ Anova Bio Tech còn nguồn heo giống nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Theo tiêu chuẩn Global GAP dành cho trang trại, đơn vị tham gia phải đạt 100% của 142 tiêu chuẩn cần thiết chính, 95% của 69 tiêu chuẩn cần thiết phụ và 36 tiêu chuẩn khuyến nghị.
Chứng nhận Global GAP chỉ có giá trị trong một năm từ ngày cấp và trang trại được cấp giấy đều phải trải qua các đợt thanh kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Anova Farm phải chi khoảng 3.000 USD/năm cho việc này.
Được biết, Anova Farm đạt chứng nhận này từ bốn tháng trước và đã liên kết với 4 chuỗi siêu thị để tiêu thụ một số lô sản phẩm thịt heo tươi sống là BigC, Aeon Mall, Vinmart và Co.opmart dù không mang thương hiệu Công ty.
Trước đó, tháng 06/2016, Anova Feed được IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đầu tư 15 triệu USD (tương đương 340 tỷ đồng) dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, các kênh truyền thống tiêu thụ thịt heo hiện chiếm khoảng 70% trên địa bàn.
Tuy nhiên, điểm nghẽn nhất trong việc quản lý chất lượng thịt tại TP.HCM đến từ sự tham gia của hàng trăm thương lái khi heo nuôi tại trang trại đạt tiêu chuẩn nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại không đạt chuẩn. Hiện, nguồn cung thịt heo từ các tỉnh lân cận chiếm đến 85% tổng lượng thịt tại TP.HCM, phần còn lại đến từ các trang trại tại huyện Củ Chi. Do đó, năm nay, Sở Công thương thành phố sẽ đẩy mạnh kiểm soát chất lượng thịt từ cổng trang trại đến tay người tiêu dùng. Còn từ 2018 sẽ từ kiểm soát từ heo bố mẹ.
“Sự tham gia vào thị trường thịt heo của Anova Farm sẽ giúp thành phố tổ chức lại thị trường thịt heo tốt hơn. Thành phố sẽ hình thành chuỗi cái, mỗi doanh nghiệp có thể tham gia vào từng công đoạn trong chuỗi để từng bước kiểm soát chất lượng thịt heo cũng như những loại thực phẩm khác an toàn”, ông Hòa nói.
Được biết, tập đoàn Anova đã hình thành 25 năm, tiền thân của Tập đoàn Anova là Công TNHH Thương Mại Thành Nhơn và đang chiếm trên 25% thị phần thuốc thú y Việt Nam.
Theo đó, Tập đoàn Nova có 2 mảng chính do 2 công ty độc lập quản lý gồm: Anova Corporation (kinh doanh thuốc thú y và thực phẩm dinh dưỡng...) và Novaland Group (đầu tư kinh doanh bất động sản). Tuy nhiên, Novaland Group dường như “nổi tiếng” hơn người anh em của mình là Anova Corporation.
Cuối năm ngoái, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland đã niêm yết còn đại diện Anova cho biết, hiện Tập đoàn chưa có ý định lên sàn.
Hồng Phúc