Quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo của Đề án.
Ngày 10-12, TP Hồ Chí Minh sẽ bắt tay vào thực hiện thí điểm chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (lợn). Đây là tiền đề hướng tới việc tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm trên cơ sở nhận diện và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đồng thời thực hiện xây dựng Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 tại thành phố.
Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố phía nam; nhất là sự tham gia của nhiều cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động sản xuất, giết mổ, phân phối thịt heo. Cụ thể, đến nay, đã có hơn một nghìn trang trại, 11 cơ sở giết mổ ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương... và 15 doanh nghiệp đăng ký tham gia đề án. Trong đó, nhiều đơn vị có thương hiệu, quy mô lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Tập đoàn Masan, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty VISSAN, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty CP Nông nghiệp Velmar, Công ty TNHH TM - SX Trại Việt, Công ty CP Anova Farm, Công ty An Hạ... Những doanh nghiệp này đều có hệ thống trang trại chăn nuôi theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu thịt heo của thành phố...
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, để phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân thành phố, giai đoạn1 triển khai thí điểm tại các đơn vị đăng ký tham gia bắt đầu từ ngày 10-12 và triển khai chính thức trên toàn địa bàn từ ngày 1-3-2017. Trong giai đoạn này, việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, siêu thị và chợ lẻ. Trong giai đoạn 2 sẽ tích hợp thêm công nghệ RFID (sử dụng chíp điện tử) gắn lên tai để quản lý toàn bộ thông tin vòng đời heo từ khi sinh ra.
Theo Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Đào Hà Trung, công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo dựa trên nền tảng Tecard của châu Âu. Theo quy trình, heo khi xuất chuồng sẽ được gắn hai vòng nhận diện có khắc mã số QR code bằng tia laser vào hai chân sau. Mã trên vòng nhận diện khi được kích hoạt sẽ chứa các thông tin về trang trại nuôi heo. Vòng nhận diện có giá trị kích hoạt trong vòng 24 đến 48 giờ, không có khả năng sử dụng trong trường hợp tháo ra lắp lại. Tổng chi phí để áp dụng công nghệ này cho mỗi con heo từ “trang trại đến bàn ăn” chỉ 9.800 đồng. Khi heo đi tiếp chu trình (vào lò mổ, ra chợ sỉ, chợ lẻ), mỗi công đoạn sẽ có cơ quan chức năng quản lý “dán tem điện tử” lên vòng nhận diện, hay kích hoạt vòng nhận diện. Thịt heo mang vòng nhận diện đến chợ sẽ được ban quản lý kiểm tra thấy hợp lệ mới cho vào chợ. Các đại lý, tiểu thương bán sỉ, bán lẻ cũng sẽ “dán tem điện tử” hay kích hoạt vòng riêng để xác nhận thịt heo họ bán ra có nguồn gốc rõ ràng và có thể truy xuất.
Với người tiêu dùng, để truy xuất nguồn gốc miếng thịt heo mình mua chỉ cần cài đặt ứng dụng có tên Te-food trong hệ thống app store hoặc google store trên điện thoại để sử dụng. Phần mềm này được cung cấp miễn phí và khi kích hoạt có thể truy xuất từ quầy bán lẻ đến nơi giết mổ, trang trại chăn nuôi sản xuất ra miếng thịt đang được bán trên thị trường. Ngoài ra, ứng dụng này sẽ kèm theo bản đồ các điểm phân phối thịt an toàn. Trong trường hợp không có điện thoại, người tiêu dùng có thể sử dụng các thiết bị truy xuất nguồn gốc chuyên dụng tại các chợ. Vì toàn bộ thông tin được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu (có thể lưu trữ từ năm đến 10 năm) cho nên không cần đến giấy tờ, thủ tục như trước kia và không thể giả mạo hay sao chép. Đối với hệ thống phân phối truyền thống, hiện có hai chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường thành phố. Hiện cũng đã có bốn chợ lẻ triển khai thí điểm đợt đầu tiên là Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình. Đến nay, gần 100% tiểu thương kinh doanh thịt heo tại bốn chợ trên đã đăng ký tham gia. 59 siêu thị đăng ký tham gia gồm 34 siêu thị Co.opmart; hai siêu thị Satramart, tám siêu thị Big C, hai siêu thị Aeon và 13 siêu thị AeonCitimart. Ngoài ra, còn có bốn hệ thống cửa hàng tiện lợi với 96 cửa hàng Co.opfood, 88 cửa hàng Satrafood, năm cửa hàng Sagrifood, 49 cửa hàng Vissan… tham gia phân phối thịt heo trong đề án. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công thương, khó khăn lớn nhất hiện nay là 85% lượng thịt heo của thành phố do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho nên phải triển khai đồng loạt ở các địa phương này thì mới bảo đảm chất lượng.
THANH NGUYÊN